Đề cương tuyên truyền Kỷ niệm 80 năm thành lập Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2021)

28/04/2021 03 : 11 PM 505

Năm 2021 đánh dấu chặng đường lịch sử 80 năm vẻ vang của Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh và thiếu nhi Việt Nam, công tác Đội và phong trào thiếu nhi tỉnh Bình Dương được chọn với chủ đề “Thiếu nhi Bình Dương – Tự hào truyền thống, Tiến bước lên Đoàn”. Đây là dịp để mỗi thiếu nhi, Đội viên nhìn lại lịch sử hào hùng của Đội TNTP Hồ Chí Minh, đồng thời, là cơ hội để các em thể hiện vai trò là con ngoan trò giỏi, cháu ngoan Bác Hồ, làm tốt 5 điều Bác Hồ dạy, kế thừa và phát huy truyền thống Đội TNTP, tiếp bước lên Đoàn, xây dựng Bình Dương và đất nước. Nhằm mục đích giúp thiếu nhi, đội viên hiểu rõ hơn về lịch sử, truyền thống Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, về những thành tích mà đội viên thiếu nhi cả nước nói chung và tỉnh Bình Dương nói riêng đạt được qua các phong trào công tác Đội, về những gương anh hùng nhỏ tuổi, Hội đồng Đội tỉnh Bình Dương giới thiệu đến các em đội viên, thiếu nhi thành phố những nội dung chủ yếu về quá trình hình thành, xây dựng tổ chức Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2021).

 

Logo (biểu trưng) 80 năm Đội TNTP Hồ Chí Minh

I. SỰ RA ĐỜI CỦA ĐỘI TNTP HỒ CHÍ MINH

Đảng Cộng Sản Việt Nam thành lập vào ngày 03/02/1930. Từ đó, phong trào đấu tranh chống đế quốc và phong kiến dưới sự lãnh đạo của Đảng ngày càng phát triển. Trong đấu tranh giành độc lập tự do, Bác Hồ và Đảng luôn quan tâm đến thế hệ trẻ vì đó là một lực lượng quan trọng trong công cuộc cách mạng cứu quốc, và chỉ một năm sau ngày thành lập, Đảng đã thấy rõ tầm quan trọng của việc thành lập tổ chức Đoàn, ngày 26/3/1931, tại Hội nghị lần thứ 2 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ra Nghị quyết thành lập tổ chức Đoàn Thanh niên, tiếp theo sau đó, tại Hội nghị lần thứ 8 của Trung ương Đảng vào tháng 5/1941, Trung ương Đảng đã ra quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh đoàn kết đánh Tây, đuổi Nhật, giành độc lập tự do cho dân tộc Việt Nam.

Ngay sau đó, vào ngày 15/5/1941 lịch sử, tại thôn Nà Mạ, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, tổ chức Hội Nhi đồng Cứu quốc (nay là Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh) đầu tiên được thành lập với 5 đội viên là Nông Văn Dền (tức Kim Đồng) được bầu làm Đội trưởng, Nông Văn Thàn (tức Cao Sơn), Lý Văn Tịnh (tức Thanh Minh), Lý Thị Nì (tức Thủy Tiên), Lý Thị Xậu (tức Thanh Thủy).

Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh là tổ chức của thiếu nhi Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng Sản Việt Nam sáng lập, được Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh phụ trách, từ những ngày đầu thành lập, là thành viên của Mặt trận Việt Minh, Đội hoạt động theo điều lệ của Mặt trận Việt Minh với nội dung: “Dự bị giúp đánh Tây, đánh Nhật Bản cho Việt Nam hoàn toàn độc lập”. Điều đó cho thấy, Đội luôn là tổ chức nòng cốt trong các phong trào thiếu nhi, là lực lượng giáo dục trong và ngoài nhà trường, là lực lượng dự bị của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Đội lấy 5 điều Bác Hồ dạy thiếu niên, nhi đồng làm mục tiêu phấn đấu rèn luyện cho Đội viên. Đứng dưới cờ Đội quang vinh, Đội viên được phát triển mọi khả năng trong hoạt động, học tập, vui chơi, cống hiến sức mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc.

II. ĐỘI THIẾU NIÊN TIỀN PHONG HỒ CHÍ MINH – 80 NĂM XÂY DỰNG VÀ TRƯỞNG THÀNH

Từ ngày được thành lập đến nay, theo sự nghiệp cách mạng của Đảng và được Đoàn phụ trách, Đội càng ngày càng phát triển. Theo từng thời kỳ, Đội đã đổi tên cho phù hợp với yêu cầu của cách mạng và nguyện vọng của thiếu niên, nhi đồng như Đội Nhi đồng Cứu quốc, Đội Thiếu niên Tháng Tám, Đội Thiếu niên tiền phong Việt Nam và ngày 30/01/1970, thể theo nguyện vọng của thiếu niên, nhi đồng cả nước, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ra Nghị quyết cho Đội được mang tên Bác Hồ kính yêu: Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh.

Sau ngày 15/5/1941, vâng theo lời Bác dạy, cùng cha anh làm cách mạng, Đội thiếu nhi cứu quốc được thành lập ở khắp các địa phương trong cả nước. Các đội viên, thiếu nhi tích cực tham gia hoạt động cách mạng như làm liên lạc, trinh sát, bảo vệ trật tự trị an, bảo vệ xóm làng, tham gia lao động tiết kiệm, xoá mù chữ... đã lập công xuất sắc như Đội thiếu niên du kích Đình Bảng, Đội thiếu nhi Bát Sắt (Hà Nội), Đội Thiếu nhi Thành Huế, Đội Thiếu nhi Đồng Tháp Mười... nhiều đội viên thiếu nhi anh hùng xuất hiện như Kim Đồng, Dương Văn Nội, Phạm Ngọc Đa, Vừ A Dính... của thời kỳ chống Pháp đã trở thành những gương sáng cho các thế hệ thiếu nhi Việt Nam noi theo, làm sáng ngời trang sử của Đội Thiếu niên Tiền phong.

Suốt 2 cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, lớp lớp thiếu nhi Việt Nam ở hai miền Nam, Bắc đã góp phần nhỏ bé của mình vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc như: Phong trào Trần Quốc Toản do Bác Hồ phát động năm 1948, phong trào “Vì miền Nam ruột thịt”, “Việc nhỏ, chí lớn, chống Mỹ cứu nước”, “Làm nghìn việc tốt thực hiện 5 Điều Bác Hồ dạy”, đã có nhiều tập thể Đội và cá nhân đội viên giành danh hiệu “Cháu ngoan Bác Hồ”, nhiều đội viên thiếu niên tiền phong đã trở thành dũng sĩ diệt Mỹ, diệt nguỵ, các anh hùng thiếu nhi quên thân mình hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, xây dựng xóm làng như Trần Văn Thọ, Nguyễn Bá Ngọc, Kơpa Kơlơng, Trần Văn Uẩn...

Vâng lời Bác dạy:          

“Tuổi nhỏ làm việc nhỏ

Tuỳ theo sức của mình

Để tham gia kháng chiến

Để giữ gìn hoà bình”.

Đội viên thiếu niên tiền phong và thiếu nhi Việt Nam đã không ngừng tu dưỡng và rèn luyện, tích cực xây dựng tổ chức Đội, góp sức nhỏ bé của mình vào sự nghiệp cách mạng chung. Suốt những năm qua, các phong trào và hoạt động của Đội luôn gắn liền với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, gắn liền với mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Đội đã tổ chức các hoạt động giáo dục phù hợp với lứa tuổi theo nguyên tắc tự nguyện, tự quản, dưới sự hướng dẫn của các anh chị phụ trách, tạo cho thiếu niên nhi đồng biết vượt khó để học tập tốt, rèn luyện tốt, phấn đấu trở thành con ngoan, trò giỏi, đội viên tốt, Cháu ngoan Bác Hồ, mai này trở thành người công dân mới, góp phần xây dựng Tổ quốc Việt Nam giàu đẹp.

Phong trào “Kế hoạch nhỏ” (1958) để tiết kiệm làm ra của cải vật chất như xây dựng Nhà máy nhựa Thiếu niên Tiền phong (1959 đi vào hoạt động), Đoàn tàu lửa chạy trên đường sắt Thống Nhất (1979), Khách sạn Khăn quàng đỏ (1987)... và hàng nghìn công trình khác ở các địa phương đã tạo nên những cơ sở vật chất văn hóa cho thiếu nhi và xã hội. Phong trào xây dựng Hợp tác xã Măng non, lập các quỹ “Vì bạn nghèo”, “Hỗ trợ tài năng trẻ”, quỹ Vừ A Dính, Đôrêmon, Giải thưởng Kim Đồng... đã thu hút hàng tỷ đồng nhằm giúp đỡ hàng nghìn bạn có hoàn cảnh khó khăn có thêm điều kiện sinh hoạt và học tập, hoà nhập với cộng đồng. Các phong trào “Nói lời hay, làm việc tốt, phấn đấu trở thành con ngoan, trò giỏi, đội viên tốt, Cháu ngoan Bác Hồ”; phong trào “Hành quân theo bước chân những người anh hùng”, “Về với cội nguồn”, “Vì điểm tựa tiền tiêu”, “áo lụa tặng bà”, “Địa chỉ nghĩa tình”... đã thu hút hàng triệu em tham gia. Thông qua các hoạt động đó, các em được tự rèn luyện và được giáo dục những truyền thống cách mạng, những phẩm chất tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

80 năm qua, những trang vàng sử Đội và hào khí truyền thống của Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh mỗi ngày một sáng. Lịch sử đó, truyền thống đó gắn liền với phong trào thiếu nhi Việt Nam và là một bộ phận không thể tách rời trong lịch sử Đảng, lịch sử dân tộc và lịch sử Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh... Với những cống hiến của Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh và thiếu niên, nhi đồng Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Đội (tháng 5/2001), Nhà nước ta đã quyết định trao tặng Huân chương Sao vàng - phần thưởng cao quý nhất của Đảng và Nhà nước cho Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh. Thành tích đó đã đánh dấu một mốc son chói lọi trên con đường phát triển của Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh và lớp lớp thiếu nhi Việt Nam.

Trước sự phát triển vượt bậc về khoa học công nghệ và sự vươn mình đột phá vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh đã có những bước phát triển mới với 12 triệu đội viên và hơn 6 triệu nhi đồng; gần 30.000 tổng phụ trách trong các trường học, cán bộ phụ trách thiếu nhi ở địa bàn dân cư; hàng ngàn cán bộ chuyên trách và đội ngũ cộng tác viên với đầy đủ năng lực hoạt động trong các cơ sở Đội, Nhà thiếu nhi, đang ngày đêm miệt mài chăm lo cho sự phát triển của thế hệ măng non đất nước.

Trong những năm gần đây, Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành tiếp tục dành sự quan tâm đặc biệt cho thiếu niên, nhi đồng và công tác trẻ em. Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 42-CT/TW về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015 - 2030”. Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII vừa thông qua Luật Trẻ em, trong đó có nhiều quy định, chế tài cụ thể để bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em; đặc biệt, Luật quy định Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh là tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em.

Cùng với những chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước, Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ X về phụ trách Đội TNTP Hồ Chí Minh, chăm sóc, giáo dục thiếu niên nhi đồng, đẩy mạnh cuộc vận động “Vì đàn em thân yêu” đã thổi không khí và sức sống mới cho các hoạt động của Đội và phong trào thiếu nhi. Đưa tinh thần Nghị quyết vào thực tiễn phong trào, công tác xây dựng Đội trong những năm gần đây đã có nhiều chuyển biến tích cực: Đội ngũ phụ trách thiếu nhi, cán bộ Đội được tăng cường, chất lượng nội dung sinh hoạt Sao nhi đồng được cải tiến, nội dung sinh hoạt Đội được đổi mới từng bước phù hợp với nhu cầu của thiếu nhi. Hoạt động Đội trong nhà trường từng bước được củng cố và nâng cao, hoạt động thiếu nhi ở địa bàn dân cư được đẩy mạnh và nhân rộng, công tác Sao nhi đồng có những bước phát triển, công tác bồi dưỡng đội viên lớn lên Đoàn có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều phong trào, hoạt động mới đã tạo ra hiệu quả xã hội thiết thực của thiếu nhi tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Phong trào “Thiếu nhi Việt Nam thi đua làm theo 5 điều Bác Hồ dạy” tiếp tục là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong các hoạt động của tổ chức Đội và thiếu niên, nhi đồng, thể hiện lòng biết ơn vô hạn của thiếu nhi Việt Nam với vị lãnh tụ, người cha già muôn vàn kính yêu của dân tộc, tạo môi trường học tập và rèn luyện, góp phần bồi dưỡng hình thành cho các em những giá trị phẩm chất tốt đẹp của người công dân mới xã hội chủ nghĩa. Chương trình “Thắp sáng ước mơ thiếu nhi Việt Nam” đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong đội viên, thiếu niên nhi đồng và các tầng lớp nhân dân, góp phần cổ vũ các em xây dựng niềm tin, ước mơ hoài bão, vượt khó vươn lên trong cuộc sống, xứng đáng là con ngoan, trò giỏi, đội viên tốt, Cháu ngoan Bác Hồ.

Vâng lời Bác Hồ dạy, phát huy truyền thống “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ” các thế hệ thiếu nhi đã tích cực tham gia phong trào “Nghìn việc tốt” và đã xuất hiện những tấm gương thiếu nhi tiêu biểu, những tập thể điển hình với nhiều chiến công và thành tích vượt bậc trên tất cả các mặt học tập, rèn luyện và tham gia các hoạt động xã hội như: Dũng cảm cứu bạn, giúp đỡ gia đình, chăm sóc ông bà, cha mẹ; những nhà tin học nhỏ tuổi, những huy chương vàng trên lĩnh vực thể thao...

Nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp bộ Đoàn trong tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí cho thiếu niên, nhi đồng, Ban Chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh khóa IX đã ban hành nghị quyết số 06-NQ/TWĐTN ngày 29 tháng 3 năm 2010 về tăng cường các hoạt động vui chơi giải trí cho thiếu niên, nhi đồng. Trong hơn 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, ở các bộ Đoàn đã có nhiều chuyển biến tích cực trong công tác tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí cho thiếu niên, nhi đồng. Ngày hội thiếu nhi vui, khỏe tiến bước lên Đoàn, Chương trình “Đêm hội trăng rằm”, các cuộc thi, trò chơi trực tuyến trên mạng xã hội như “Chinh phục vũ môn”, “Trạng nguyên Tiếng Việt”, “Cùng nhau giúp bạn”, “Phòng chống tai nạn thương tích dành cho trẻ em”… được triển khai rộng khắp trên cả nước, tập hợp, thu hút đông đảo các em thiếu nhi tham gia vào các hoạt động vui chơi giải trí lành mạnh.

III. ĐỘI THIẾU NIÊN TIỀN PHONG HỒ CHÍ MINH TỈNH BÌNH DƯƠNG – 80 MÙA HOA, ĐỘI TA LỚN LÊN CÙNG ĐẤT NƯỚC:

* Phong trào Đội trước năm 1975:

Trải qua hơn các thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, tuổi nhỏ Thủ Dầu Một xưa tự hào là đã góp phần viết nên những trang sử oai hùng của tỉnh nhà. Từ ngày có Đảng, thiếu nhi Thủ Dầu Một – Bình Dương luôn sát cánh cùng cha anh đánh đuổi kẻ thù.

Trong kháng chiên chống thực dân Pháp xâm lược, các em thiếu nhi Thủ Dầu Một đã anh dũng đứng lên đánh giặc thông qua việc hàng ngày đi chăn trâu, cắt cỏ, cứ thấy địch là dùng những chiếc tù và làm bằng lá khóm để báo động cho bà con thu xếp tránh giặc. Khi giặc rút đi, các em cũng thổi tù và báo tin cho bà con trở về sinh hoạt bình thường, nhưng tiếng tù và kéo dài, thong thả chớ không thúc giục, liên hồi như khi báo động. Bà con nông dân ai cũng khen tiếng tù và của các em đã góp phần giúp ích cho kháng chiến. Nổi bật có chiến sĩ Út Tèo, đội trưởng Đội thiếu nhi cứu quốc xã Phú An, vừa học giỏi, vừa đàn, hát, bơi lội, chèo ghe đều giỏi cả. Một lần, 3 đội viên du kích xã đang đi làm nhiệm vụ nhưng bị lộ và bị địch truy đuổi ráo riết, Út Tèo đã dũng cảm chèo ghe đưa 3 anh vượt sông Sài Gòn, cặp bờ bên kia an toàn, thoát khỏi tay giặc. Có nơi (như xã An Long, huyện Hớn Quản), các em thiếu nhi còn trồng khoai lang, khoai mì để dành riêng khao quân cho các anh bộ đội sau những trận chống địch càn quét xóm làng, làm cho các anh hết sức ngỡ ngàng và cảm động. Thiếu nhi Bến Cát, Lái Thiêu…  cùng với các chị nữ thanh niên góp phần động viên tinh thần chiến sĩ Vệ quốc đoàn ngày đêm chiến đấu trên khắp các nẻo đường kháng chiến ở Thủ Dầu Một bằng những chiếc khăn tay thêu gởi ra tiến tuyến, hoặc lúc đưa tiễn các anh lên đường tòng quân… Đó là những tấm tình sâu nặng của hậu phương, góp phần hun đúc dũng khí diệt thù, giải phóng đất nước của các chiến sĩ thiếu nhi, nhi đồng trên khắp vùng đất Thủ thời kỳ kháng chiến chống Pháp.

Tiêu biểu có em Hồ Văn Mên, quê ở Lái Thiêu (nay là An Thạnh, Thuận An) mới 13 tuổi đã tham gia 7 trận lớn nhỏ và diệt 79 tên giặc bao gồm các thứ lính, sĩ quan Mỹ, ngụy lính pắc – chung – hy (lính ngụy triều tiên) cùng nhiều xe cơ giới của địch và được phong tặng danh hiệu “Anh hùng còn cõng trên lưng”, danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”, đã nhiều phen làm quân thù khiếp sợ và vinh dự được ra miền Bắc thăm Bác Hồ với tư cách là đại biểu nhỏ tuổi nhất trong đoàn thiếu nhi dũng sĩ miền Nam ngày đó. Đó là sự vận dụng những điều cơ bản trong 5 điều Bác Hồ dạy thiếu nhi Bình Dương vào hoàn cảnh đấu tranh hợp pháp giữa lòng địch.

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, nhiều chiến sĩ nhỏ của tỉnh Bình Dương đã hướng dẫn các đơn vị bộ đội đánh chiếm và tiếp quản các đồn bót địch. Thiếu niên Nguyễn Thị Một đã cùng bộ đội ta nhanh chóng tiến vào Chợ Thủ, cắm cờ Mặt trận lên nóc nhà việc Phú Cường vào lúc 10h30, ngày 30/4/1975.

Suốt chặng đường đấu tranh giành độc lập của cả dân tộc, tuổi nhỏ tỉnh Thủ Dầu Một xưa, Sông Bé và Bình Dương nay đã có những đóng góp đáng kể, tiếp sức với cha anh viết nên những trang sử rực rỡ, tô thắm truyền thống vẻ vang của nhân dân Thủ Dầu Một – Bình Dương. Đây chính là cơ sở để phong trào thiếu nhi tỉnh nhà sau giải phóng kế thừa và phát huy mạnh mẽ. Tinh thần của anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Hồ Văn Mên đang được nhân ra khắp tỉnh nhà trong giai đoạn mới.

* Phong trào Đội sau năm 1975:

1. Giai đoạn 1975 – 1986: 

Sau đại thắng mùa Xuân 75, tuổi nhỏ Bình Dương nô nức cùng với cha anh tham gia các chiến dịch như: làm vệ sinh đường phố, xóm ấp, thu gom và truy quét các loại văn hóa phẩm đồi trụy, phản động. Mừng chiến thắng, trật tự giao thông. Ngay khi tiếp quản tỉnh Bình Dương, Tỉnh đoàn, Ban Thanh Thiếu nhi tỉnh đã tập họp lực lượng, triển khai nhiều phong trào lớn. Tiêu biểu như phong trào “Kế hoạch nhỏ”, phong trào phong trào “Xây dựng tập thể học sinh tiên tiến”, “Xây dựng tập thể học sinh xã hội chủ nghĩa” bước đầu đạt kết quả tốt, các tổ chức đoàn, đội trong nhà trường có nhiều cố gắng trong việc giáo dục thanh thiếu nhi xác định động cơ học tập, nếp sống văn minh hay như phong trào Xóa nạn mù chữ (thầy giáo, cô giáo quàng khăn đỏ).

Đến giai đoạn những năm 1980 – 1991, công tác Đội trong khối trường học trong thời kỳ này được Tỉnh Đoàn và Hội đồng Đội tỉnh quan tâm chỉ đạo, ngày 28/10/1984, Tỉnh Đoàn ra Nghị quyết số 04/NQ-TĐ về công tác đoàn trường học và công tác Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh. Trong đó, xác định nhiệm vụ trọng tâm là tiếp tục thực hiện cuộc vận động giáo dục đạo đức cách mạng trong nhà trường; hướng nghiệp và sử dụng hợp lý học sinh ra trường; từng bước xây dựng Sao Nhi đồng tự quản, phát triển đội viên vào Đoàn; đẩy mạnh công tác phát triển Đoàn và phát huy tinh thần làm chủ tập thể của thanh niên giáo viên, học sinh trong giảng dạy, học tập và rèn luyện xây dựng nếp sống mới; phát triển mạnh phong trào rèn luyện thân thể “Khỏe để xây dựng bảo vệ Tổ quốc”. Phong trào thiếu nhi trong trường phổ thông cơ sở tập trung vào ba vấn đề lớn, đó là giáo dục truyền thống cách mạng, công tác xây dựng chi đội mạnh và công tác cán bộ tổng phụ trách ở cơ sở. Đồng thời, tiếp tục đưa phong trào toàn dân chăm sóc, giáo dục và bảo vệ thiếu niên nhi đồng đi vào nền nếp. Với nhiệm vụ đề ra như thế, công tác thanh thiếu niên trong các trường học hoạt động sôi nổi, nhất là phong trào thi đua “Hai tốt” về nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập. Vai trò nòng cốt của tổ chức đoàn trong các trường học thể hiện ngày càng rõ nét hơn, qua từng năm số lớp tiên tiến và tập thể học sinh xã hội chủ nghĩa được công nhận đều tăng. Qua đó, khơi dậy niềm tự hào và giúp đỡ các em xác định thái độ, động cơ đúng đắn trong học tập, rèn luyện đạo đức, nâng cao chất lượng đội viên. Nhiều phong trào của Đội trở thành hoạt động thường xuyên như phong trào Kế hoạch nhỏ, công tác Trần Quốc Toản... Từ đó, hình thành trong các em tính tích cực, tinh thần vì cộng đồng ngay khi các em còn ngồi trên ghế nhà trường, tạo điều kiện cho các em phấn đấu rèn luyện và trưởng thành. Số đội viên được phát triển vào Đoàn gia tăng, năm học 1983-1984 có 845 em được kết nạp, năm học 1985-1986 có 2.348 được kết nạp. Bên cạnh đó, công tác cán bộ tổng phụ trách được quan tâm, Tỉnh Đoàn phối hợp với Sở Giáo dục tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quy chế Tổng phụ trách Đội trong trường phổ thông cơ sở (đây là bản quy chế đầu tiên của cả nước). Đối với cấp huyện đã tiến hành quy hoạch và bố trí đội ngũ cán bộ Tổng phụ trách hợp lý, giải quyết các chế độ theo quy định 243 của Hội đồng Bộ trưởng, định kỳ bồi dưỡng nâng cao chất lượng nghiệp vụ, cải tiến về chương trình phù hợp với trình độ của đội ngũ tổng phụ trách. Đặc biệt năm học 1985-1986, Hội đồng đội tỉnh đã tổ chức thi chọn tổng phụ trách giỏi, có 6 đồng chí tổng phụ trách được công nhận xuất sắc.

2. Giai đoạn 1986 – 1996:

Đây là giai đoạn quan trọng mang ý nghĩa lịch sử quan trọng của cả nước và thành phố, Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần IV đã chủ trương trong chuyển đổi mới tư duy kinh tế , đổi mới phong cách làm việc với nhiều chủ trương đổi mới sâu sắc. Đất nước đang trong thời kỳ đổi mới, bước vào thời kỳ hội nhập quốc tế. Tổ chức Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh tỉnh Bình Dương chuyển biến mạnh mẽ, năng động theo từng bước phát triển và sự trưởng thành vượt bậc của  của lực lượng phụ trách Đội. Công tác bồi dưỡng, giới thiệu đội viên trưởng thành vào Đoàn được các chi đoàn, Liên đội các Trường Trung học cơ sở quan tâm, đầu tư bằng nhiều hình thức sinh hoạt theo lứa tuổi. Đội viên, thiếu nhi ý thức rõ trách nhiệm và vai trò của mình bằng những việc làm cụ thể, gắn với các phong trào tiêu biểu như “Về nguồn”, “Vượt khó học giỏi”, “Giúp bạn vượt khó”, “Đôi bạn cùng tiến”, “Đạt điểm 10”, “Tiết học tốt” để giúp nhau trong học tập,...

Trong giai đoạn này, nhiều năm liền công tác đội và phong trào thiếu nhi của tỉnh được Trung ương Đoàn, Hội đồng đội Trung ương đánh giá, xếp loại xuất sắc trong cả nước. Tiêu biểu là năm học 1993 - 1994 được Trung ương Đoàn khen về thành tích công tác đội, năm học 1994 - 1995 và 1995 - 1996 được nhận cờ xuất sắc do Hội đồng đội Trung ương Đoàn tặng. Đây là kết quả xứng đáng với quá trình phấn đấu đi lên của đội ngũ phụ trách đội, cán bộ đội và các thế hệ măng non của tỉnh. Song song đó, với các chủ đề “Hành quân lên Điện Biên” năm học 1993 -1994, “Tổ quốc em biết mấy tự hào” năm học 1994 - 1995, “Xứng danh đội viên mang tên Bác” năm học 1995 - 1996, “Thiếu nhi Việt Nam - măng non đất nước” năm học 1996 - 1997 và phong trào “Nói lời hay, làm việc tốt, xứng đáng cháu ngoan Bác Hồ” góp phần to lớn trong công tác giáo dục truyền thông cho các em, xây dựng nên một thế hệ công dân tương lai giàu lòng nhân ái và tinh thần dân tộc. Đội đã tạo điều kiện cho các em tham gia các hoạt động xã hội, góp sức xây dựng môi trường văn hóa, xã hội lành mạnh ngay tại trường lớp, địa phương. Đồng thời, Hội đồng Đội tỉnh đã chỉ đạo các cấp bộ Đội trong tỉnh đề ra những phương thức hoạt động phù hợp với lứa tuổi, phong trào hành động hấp dẫn, nội dưng bổ ích vừa sức với các em, thu hút khá đông đội viên, thiếu nhi, học sinh tham gia một cách chủ động tự giác và tích cực. Tổng kết phong trào hằng năm, toàn tỉnh trung bình có 50.000 đội viên được bình bầu là cháu ngoan Bác Hồ, năm học 1995 - 1996 tỉnh Sông Bé vinh dự được Trung ương Đoàn chọn 1 em phụ trách đội và 2 em chỉ huy đội tham dự Liên hoan gặp gỡ thiếu nhi Châu Á - Thái Bình Dương tổ chức tại Nhật Bản.

Ngoài ra, công tác đội của tỉnh nhà giai đoạn này còn luôn được gắn chặt với công tác chăm sóc thiếu nhi. Hằng năm, các tổ chức đoàn, đội đều hưởng ứng sôi nổi “Tháng hành động vì trẻ em” do cấp ủy và chính quyền địa phương phát động. Trên cơ sở đó, Đội mở nhiều cuộc vận động lớn để xây dựng quỹ giúp thiếu nhi nghèo vượt khó, giúp các em được đến trường và vun đắp cho các tài năng trẻ. Điều đáng phấn khởi, có ý nghĩa to lớn trong công tác giáo dục của Đội là khơi dậy được lòng nhân ái trong xã hội và trong các em, được các em nhiệt tình ủng hộ bằng những việc làm thiết thực như nhịn quà sáng, làm kế hoạch nhỏ, nuôi heo đất, lon gạo nghĩa tình... để đóng góp giúp đỡ các bạn nghèo. Hàng năm, nguồn kinh phí vận động cho các quỹ này lên đến gần 500 triệu đồng. Bên cạnh đó, việc đào tạo bồi dưỡng đội ngũ phụ trách Đội được quan tâm. Tỉnh Đoàn, Hội đồng Đội tỉnh đã chủ động phối hợp với Sở Giáo dục - Đào tạo thường xuyên tập huấn, trang bị lý luận và kỹ năng cho đội ngũ cán bộ phụ trách Đội và tạo điều kiện về chính sách, chế độ. Tính đến năm 1996, toàn tỉnh có 33/296 tổng phụ trách là chiến sĩ thi đua của ngành giáo dục, 26/296 tổng phụ trách giỏi cấp tỉnh, đạt danh hiệu tương đương với danh hiệu giáo viên giỏi của ngành giáo dục.

3. Giai đoạn 1997 - 2012:

Trong giai đoạn này, sự phát triển về kinh tế, văn hóa, xã hội và đời sống nhân dân trong tỉnh tỉnh. Đặc biệt là chủ trương chia tách tỉnh Sông Bé thành tỉnh  Bình Dương và Bình Phước đã tạo điều kiện và môi trường thuận lợi cho công tác Đội và phong trào thiếu nhi tỉnh Bình Dương trong thời kỳ này.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đoàn tỉnh Bình Dương lần thứ VI, VII, VIII và Đại hội Đoàn toàn quốc lần IX, với quan điểm Toàn Đoàn làm công tác Đội và xây dựng Đoàn từ xây dựng Đội, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Bình Dương đã tổ chức các phong trào thiếu nhi với các mục tiêu: tạo mọi điều kiện tốt nhất để các em được học tập, vui chơi, giải trí, phát triển thể chất và trí tuệ; chú trọng đến việc phát huy nguồn lực của hệ thống Đoàn cùng xã hội chăm lo về vật chất và tinh thần cho trẻ em nghèo, trẻ chưa được đến trường; từng bước nâng cao chất lượng hoạt động Đội và khẳng định được vai trò của Đoàn trong quá trình tập hợp và giáo dục thiếu nhi, với các chương trình hoạt động nổi bật như “Kế hoạch nhỏ”, “Vòng tay bè bạn”,“Tấm áo tặng bạn”,….Tháng 5/2011, tại lễ kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15.5.1941 - 15.5.2011), Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương đã trao cho tổ chức Đội và phong trào thiếu nhi tỉnh Bình Dương Huân chương lao động Hạng II với nhiều thành tích đạt được trong giai đoạn này. Một trong những phong trào tiêu biểu cho hoạt động này trước tiên phải kể đến phong trào thi đua “Nghìn việc tốt” của các em đội viên, thiếu niên nhi đồng. Khắc ghi lời dạy “nhặt được của rơi, trả lại người mất”, em Bùi Bảo Lộc, học sinh lớp 7A3, Liên đội trường THPT Tân Bình, Tân Uyên đã nhặt được 1 cây vàng SJC, trị giá 36 triệu đồng, em Nguyễn Thanh Toàn, Liên đội trường tiểu học An Tây A, Bến Cát nhặt được 6 triệu đồng của người đi đường nhưng em đã tự động trả lại cho người bị mất. Phát huy truyền thống “lá lành đùm lá rách”, các bạn thể hiện nghĩa cử cao đẹp của mình thông qua việc làm nhỏ nhưng có ý nghĩa nhân văn cao cả. Câu chuyện của bạn Nguyễn Minh Quân, Liên đội trường tiểu học Bạch Đằng, Tân Uyên là tấm gương sáng cho các bạn đội viên noi theo. Hàng ngày, em đã trích ra một phần quà sáng của mình để tặng 1 hộp sữa cho bạn Nguyễn Khánh Hải là học sinh khuyết tật cùng trường. Hay 2 em Nguyễn Thị Thùy Diệu và Nguyễn Thị Hải Yến, Liên đội trường THPT Tân Bình, Tân Uyên đã thay phiên cõng bạn bị tật đi học và giúp bạn trong mọi sinh hoạt cá nhân. Bên cạnh đó, các phong trào chăm ngoan học giỏi, đôi bạn cùng tiến, cây mùa xuân cho trẻ em nghèo vui tết, nắm gạo tình thương, em là chiến sĩ an ninh nhỏ... cũng được các liên đội đẩy mạnh và gặt hái được nhiều thành quả đáng khích lệ. Hàng năm, Đội đã tuyên dương và trao tặng danh hiệu cho 7.000 đội viên, thiếu niên nhi đồng là những điển hình xuất sắc trên các phong trào hoạt động Đội. Bên cạnh đó, thực hiện lời dạy của Bác, các liên đội tích cực phát động phong trào thi đua học tập, lao động. Trên cơ sở đó đã xuất hiện hàng loạt những tấm gương sáng, đạt thành tích cao trong học tập làm nguồn cổ vũ tinh thần cho các em tiếp bước. Hai bạn Phạm Văn Định, Trịnh Phúc Thọ được mệnh danh là những sáng tạo tí hon của tỉnh nhà vinh dự tham gia vào đội tuyển “Tin học trẻ” toàn quốc. Hay bạn Nguyễn Phương Hoàng Liên ở Liên đội trường tiểu học Bình An, Dĩ An đoạt giải 3 toàn quốc Hội thi “Olympic ngoại ngữ”.

Ngoài ra còn hàng trăm CLB mang chủ đề học tập cũng được hình thành như CLB em yêu khoa học, CLB môn học, tài năng trẻ cho đến phong trào đôi bạn học tốt, giờ học kiểu mẫu, tiết học toàn A... cũng được các bạn tham gia sôi nổi. Đặc biệt, với sự ra đời mô hình “Giờ tự bạch” của thị xã Dĩ An là chiếc cầu nối giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong công tác chăm sóc giáo dục thiếu niên nhi đồng. Phong trào quyên góp sách cho thiếu nhi đọc tại các điểm bưu điện văn hóa xã do Bưu điện và Tỉnh đoàn phát động cũng đã khơi dậy văn hóa đọc, mong muốn khám phá tri thức của các bạn thiếu nhi. Chương trình “Thắp sáng ước mơ thiếu nhi Bình Dương” và ra mắt CLB “Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ Bình Dương” gắn với việc trao giải thưởng Đoàn Thị Liên, Hồ Văn Mên đã chắp cánh cho ước mơ được đến trường của hàng ngàn em học sinh nghèo hiếu học...

4. Giai đoạn 2012 – 2021:

Trong giai đoạn này, công tác Đội và phong trào thiếu nhi tỉnh Bình Dương đã có nhiều bước tiến vượt bậc, liên tục 10 năm liền đạt cờ thi đua xuất sắc của Hội đồng Đội Trung ương với các phong trào, mô hình, cách làm được triển khai với các hình thức phong phú như: Phong trào “Em yêu lịch sử Việt Nam”, Hội thi “Nhà sử học nhỏ tuổi”, “Hành trình đi tìm địa chỉ đỏ”, “Lật trang sử vàng”, “Tự hào trang sử Đội ta”, Ngày hội“Thiếu nhi vui khỏe - Tiến bước lên Đoàn”, các hoạt động giáo dục về truyền thống thông qua các buổi sinh hoạt dưới cờ, ngoại khoá, du khảo về nguồn, các cuộc thi tìm hiểu kiến thức Đoàn, Đội,…Trong đó, nổi bật nhất, Bình Dương là một trong những tỉnh đi đầu trong việc triển khai thực hiện Phong trào “Trần Quốc Toản” với 100% các Liên Đội đều tổ chức cho các em đi thăm hỏi, tặng quà, giúp đỡ các gia đình chính sách, thương binh, liệt sĩ, các Mẹ Việt Nam anh hùng; tham gia làm vệ sinh, làm đẹp các bia, đài, nghĩa trang liệt sĩ hàng năm,… với các mô hình, công trình, đề án tiêu biểu như: công trình măng non biên soạn và xuất bản 2.000 quyển sách “Địa chỉ đỏ dành cho thanh thiếu nhi Bình Dương”; mô hình tổ chức cuộc thi viết cảm nhận về dũng sĩ diệt Mỹ Hồ Văn Mên; mô hình “Hành trình về các địa chỉ đỏ trên địa bàn tỉnh Bình Dương”; Đề án “Giáo dục, truyền thống, lý tưởng cách mạng cho thanh thiếu nhi” của huyện Bắc Tân Uyên và thị xã Tân Uyên; mô hình “Cổng trường ATGT – Công trình thanh niên chào mừng Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ X”,… Quá đó, đã thu hút được trên 2 triệu lượt đội viên, học sinh tham gia

Bên cạnh đó, Hội đồng Đội tỉnh còn triển khai chỉ đạo các đơn vị thực hiện tốt phong trào “Em yêu biển đảo Việt Nam” ngay từ đầu mỗi năm học với nhiều hình thức đa dạng như: tổ chức các cuộc thi vẽ tranh “Tuổi trẻ với tình yêu Biển Đảo quê hương”, “Trường sa, Hoàng sa trong trái tim em”, “Hành trình xuyên Việt vì biển đảo quê hương”, phát động “Ngày hội Thiếu nhi Bình Dương hành động vì biên cương tổ quốc” với việc quyên góp quà tặng cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn vùng sâu, vùng xa định kỳ giữa 03 đơn vị kết nghĩa Đắklắk, Lào Cai và Bình Phước…Qua các hoạt hoạt động đã thu hút được sự quan tâm, tích cực tham gia hưởng ứng của gần 1 triệu lượt em thiếu nhi trong toàn Tỉnh và quyên góp được gần 8 tỷ đồng (tăng hơn 5 tỷ đồng so với nhiệm kỳ 2007 – 2012), góp phần đưa phong trào “Giúp bạn đến trường, cùng hướng đến tương lai” của thiếu nhi Bình Dương trở thành một trong những điểm sáng trong toàn quốc và được Hội đồng Đội trung ương đánh giá cao.

Với trọng tâm xác định phong trào “Thiếu nhi Việt Nam thi đua làm theo 5 điều Bác Hồ dạy” là phong trào mang tính xuyên suốt của tổ chức Đội, góp phần giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thiếu nhi, căn cứ hướng dẫn của Hội đồng Đội Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn, trong giai đoạn này, Hội đồng Đội tỉnh đã chỉ đạo Hội đồng Đội các cấp cụ thể hóa việc thực hiện phong trào bằng những việc làm thiết thực, gắn với việc học tập và rèn luyện hằng ngày của thiếu nhi như: tổ chức cho thiếu nhi sưu tầm các câu chuyện về Bác Hồ, thi kể chuyện về Bác Hồ, xây dựng tủ sách Bác Hồ, viết nhật ký làm theo lời Bác, hành trình theo chân Bác, phát động đợt thi đua học tập, nghiên cứu, tìm hiểu những tư liệu, tác phẩm văn học nghệ thuật và điện ảnh tiêu biểu về cuộc đời, sự nghiệp và tư tưởng của Bác Hồ, tìm hiểu về thân thế, sự nghiệp Bác Hồ, mô hình “Mỗi tuần một câu chuyện kể về Bác, sổ vàng làm theo lời Bác, thi báo tường, báo ảnh nhân kỷ niệm ngày sinh nhật Bác,...Trong đó, nổi bật là công tác chỉ đạo 100% Hội đồng Đội các huyện, thị, thành phố thực hiện tốt phong trào "Nói lời hay - Làm việc tốt", "Con ngoan trò giỏi - Cháu ngoan Bác Hồ" với các hoạt động tiêu biểu như: Đại hội cháu ngoan Bác Hồ cấp Liên Đội thường niên theo năm học, Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ cấp huyện và tham gia Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ cấp Tỉnh. Qua đó đã tuyên dương và công nhận hơn 01 triệu lượt Cháu ngoan Bác Hồ các cấp

Song song đó, phong trào "Kế hoạch nhỏ"  cũng được các cơ sở Đội triển khai thường xuyên với trọng tâm là việc xây dựng các công trình măng non, xây dựng các mô hình phòng chống đuối nước, tiêu biểu: công trình xây dựng 50 ngôi “Khăn Quàng đỏ”; xây dựng mới và sửa chữa gần 200 khu, điểm vui chơi thiếu nhi, trọng tâm là các khu vui chơi cho con em thanh niên công nhân tại các khu nhà trọ, các khu, cụm công nghiệp, thiếu nhi tại vùng sâu, vùng xa không có điều kiện tiếp cận với các thiết chế văn hóa, nổi bật là khu vui chơi cho thiếu nhi trị giá gần 2 tỷ đồng của công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng; tặng gần 100.000 phần quà, suất học bổng cho học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của tỉnh,…với tổng trị giá gần các công trình, phần việc gần 10 tỷ đồng. Qua đó, đã góp phần đưa công tác Đội và phong trào thiếu nhi tỉnh Bình Dương trở thành hình mẫu của cả nước và được Trung ương Đoàn, Hội đồng Đội trung ương đánh giá cao.

Ngoài ra, điểm nổi bật phải kể đến khi nói phong trào sáng tạo trong thiếu nhi là phong trào “Học tốt, em yêu khoa học” của Hội đồng Đội tỉnh Bình Dương, trong 05 năm qua, các hoạt động rèn luyện, học tập, tiếp cận khoa học công nghệ trong đội viên, thiếu niên, nhi đồng được các Liên Đội tích cực, chủ động triển khai, tạo không khí thi đua học tập sôi nổi, góp phần giáo dục, nâng cao ý thức, lòng say mê khoa học, ý thức vượt khó vươn lên, với các phong trào, hoạt động tiêu biểu: phong trào "Hoa điểm tốt", "Vượt khó học tốt", "Vở sạch chữ đẹp", “Em yêu khoa học”, “Đôi bạn cùng tiến”,“Rèn nét chữ, luyện nết người”, “Bảng danh dự - Tuyên dương học sinh tiêu biểu”, thành lập và duy trì hoạt động của các Câu lạc bộ Tiếng Anh, tin học, ngoại ngữ, Câu lạc bộ toán tuổi thơ, câu lạc bộ Ngữ văn trong các Liên đội, tham gia tốt cuộc thi “Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc”, hội thi "Tin học trẻ",…qua đó đã định hướng cho hơn 2 triệu lượt thiếu nhi trong nhiệm kỳ ý thức "Học đều, học đủ, học chăm", "Học" đi đôi với "Hành", "Học thực chất - Thi nghiêm túc", "Vượt khó học tốt", góp phần tạo chuyển biến tích cực trong công tác phối hợp với ngành giáo dục thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Chương trình “Thắp sáng ước mơ thiếu nhi Bình Dương” là một hoạt động trọng tâm trong 05 năm qua, được Hội đồng Đội tỉnh chỉ đạo và tổ chức rộng khắp ở các đơn vị trong tỉnh với nhiều phương thức, cách làm hiệu quả: triển khai cuộc vận động “Vòng tay bè bạn”, “Giúp bạn đến trường – Cùng hướng đến tương lai”; xây dựng “Quỹ giúp bạn vượt khó”, “Quỹ vì bạn nghèo”, thực hiện phong trào “Bạn giúp bạn”, “Đôi bạn cùng tiến”, “Nuôi heo đất”,“Người tốt việc tốt”, “Làm nghìn việc tốt”, “Cây mùa xuân cho trẻ em nghèo vui tết”,... Qua đó đã trao và hỗ trợ học bổng cho hơn 21.000 lượt em, với tổng số tiền ước tính lên đến gần tỷ đồng, góp phần cùng chính quyền các cấp thực hiện tốt các chỉ tiêu an sinh xã hội và đưa Bình Dương trở thành một trong những tỉnh không còn hộ nghèo theo tiêu chí của Trung ương.

Bên cạnh đó, Công tác đội viên cũng được Hội đồng Đội tỉnh quan tâm chỉ đạo các Liên Đội triển khai, trong đó trọng tâm là việc đổi mới nội dung và phương thức triển khai thực hiện “Chương trình Rèn luyện Đội viên” theo hướng thiết thực, hiệu quả phù hợp giai đoạn hiện nay. Đồng thời, công tác phát triển đội viên mới được các Liên Đội thực hiện đúng quy trình, đảm bảo về số lượng và chất lượng. Kết quả trong 05 năm, toàn tỉnh đã có gần 150.000 đội viên được kết nạp mới. Song song đó, công tác tham gia xây dựng Đoàn cũng được Hội đồng Đội tỉnh chú trọng với 70.420 đội viên lớn trưởng thành được giới thiệu cho Đoàn xem xét kết nạp, góp phần giúp cho Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn Bình Dương thực hiện thành công các chỉ tiêu của nhiệm kỳ. Ngoài ra, điểm sáng của Bình Dương trong công tác Đội là việc chỉ đạo các cơ sở Đội duy trì đều đặn việc sinh hoạt Chi Đội, Liên Đội với những đổi mới, sáng tạo trong nội dung, phương thức sinh hoạt và bám theo hướng dẫn cụ thể chủ điểm, nội dung trọng tâm, gợi ý phương thức sinh hoạt theo từng tháng của Hội đồng Đội tỉnh; tất cả đội viên đều có sổ rèn luyện đội viên (sửa đổi) và tổ chức đăng ký thực hiện các chuyên hiệu đội viên theo quy định với mỗi năm học trang bị được hơn 26.600 quyển qua đó đã giúp định hướng, nâng cao chất lượng sinh hoạt Đội trong trường học.

Ngoài ra, thực hiện định hướng của Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn, hàng năm, Hội đồng Đội từ tỉnh đến cơ sở luôn được rà soát để kiện toàn và hoạt động theo đúng nội dung và quy định của Hội đồng Đội cấp trên, có Chủ tịch Hội đồng Đội trực tiếp điều hành các hoạt động Đội. Đội ngũ phụ trách Đội trên địa bàn dân cư thường xuyên được duy trì, tổ chức các hoạt động, mô hình vui chơi, sinh hoạt định kỳ hàng tháng tại các tụ điểm sinh hoạt, văn phòng khu, ấp, trường học; các lớp học tình thương; phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể địa phương tổ chức nhiều hoạt động phong phú đa dạng cho các em như: tổ chức trò chơi dân gian, lễ hội trăng rằm, sinh hoạt đội nhóm sở thích, sinh hoạt vui chơi tập thể….Điểm nổi bật trong công tác lãnh, chỉ đạo của Hội đồng Đội tỉnh giai đoạn này là 100% Hội đồng Đội các huyện, thị, thành phố đều thành lập và duy trì thường xuyên hoạt động của Câu lạc bộ phụ trách Đội tình nguyện và chương trình hoạt động của câu lạc bộ, đã xây dựng và triển khai giao ước thi đua công tác Đội và phong trào thiếu nhi đến khối xã, phường, thị trấn kịp thời hàng năm, qua đó công tác Đội và phong trào thiếu nhi của tỉnh luôn được Hội đồng Đội Trung ương đánh giá cao.

Ngoài ra, đối với Hội đồng Đội các đơn vị có nhiều con em thanh niên công nhân, Hội đồng Đội tỉnh đã chỉ đạo Hội đồng Đội xã, phường, thị trấn triển khai thực hiện hiệu quả các mô hình chương trình hoạt động như: mô hình “Sân chơi cuối tuần cho thiếu nhi các khu nhà trọ”; mô hình “Lớp học tình thương cho con em thanh niên công nhân”, Chương trình Đêm hội trăng rằm, Chương trình Tết cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn,... Kết quả trong giai đoạn, toàn tỉnh đã duy trì được 30 lớp học và 701 em cùng với hơn 100 thanh niên, tình nguyện viên tham gia hỗ trợ; trao tặng được gần 8.000 phần quà, trị giá gần 5 tỷ đồng cho con em thanh niên công nhân, trẻ em cơ nhỡ trên địa bàn dân cư. Cuộc vận động “Vì đàn em thân yêu” là chủ trương trọng tâm, xuyên suốt trong thực hiện công tác chỉ đạo thực hiện chăm sóc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng của Hội đồng Đội tỉnh. Theo đó, nhiều nội dung được triển khai hiệu quả như: Chăm lo, giúp đỡ thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn; thực hiện các công trình vì đàn em, tiếp tục triển khai có hiệu quả các mô hình, câu lạc bộ: “Phụ trách Đội giỏi”, “Phụ trách thiếu nhi”, “Người phụ trách tình nguyện”,... thông qua đó giúp thiếu niên, nhi đồng phát triển toàn diện. Qua 5 năm triển khai thực hiện, đã có hơn 910 công trình "Vì đàn em thân yêu" do các cấp bộ Đội triển khai và giúp đỡ được gần 5.000 em thiếu nhi có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn, vượt khó học tốt; góp phần cùng chính quyền thực hiện tốt công tác chăm sóc, giáo dục nhi đồng.

Bảy mươi chín năm ghi dấu một chặng đường phát triển và trưởng thành của tổ chức Đội với lớp lớp các thế hệ đội viên đã trở thành những nhà lãnh đạo, những công dân ưu tú của xã hội, những tiến sỹ, kỹ sư, bác sỹ, những nhà khoa học, thầy cô giáo, những công nhân có bàn tay vàng… Hôm nay đây, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự dìu dắt của Đoàn và sự chăm lo của toàn xã hội, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, thiếu niên, nhi đồng Việt Nam đang có những thuận lợi, thời cơ mới để tiếp bước cha anh rèn đức, luyện tài, xây dựng tổ chức Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh ngày càng vững mạnh.

Đội viên, thiếu niên, nhi đồng tỉnh Bình Dương luôn luôn khắc ghi: “Vì Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, vì lý tưởng của Bác Hồ vĩ đại, Sẵn sàng!”./.

Nguồn: Hội đồng Đội tỉnh Bình Dương (ĐH)

Tags
Bình luận (0)
Nội dung bình luận
Gửi hình Gửi bình luận