ĐƯỜNG BÙI QUỐC KHÁNH

22/10/2022 09 : 36 AM 356

Bùi Quốc Khánh hay còn gọi là Bùi Văn A, đi học lấy tên là Hai Khánh sinh năm 1930, tại ấp Chánh Trong, làng Phú Cường, quận Châu Thành, tỉnh Thủ Dầu Một (nay là khu 7, phường Chánh Nghĩa, thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương).

Ngày 25.8.1945, tỉnh lỵ Thủ Dầu Một đang sục sôi phong trào cách mạng do Việt Minh tổ chức giành chính quyền về tay nhân dân. Độc lập không lâu, ngày 25.10.1945, quân dân ta phải bước vào cuộc kháng chiến chống quân Pháp trở lại xâm chiếm tỉnh nhà. Khi ấy, Bùi Quốc Khánh tiễn cha là Bùi Văn Ca lên đàng vào chiến khu tham gia Vệ quốc đoàn chi đội I. 

Về phần ông, tuổi trẻ của ông luôn sống trong bầu không khí máu và lửa ở vùng địch chiếm đóng. Bên cạnh đó anh lại được sống với sự quan tâm dìu dắt tận tình của các đồng chí Hồ Kỳ Phùng (Tám Phùng, hiện là lão thành kháng chiến ở Chánh Nghĩa), Nguyễn Quốc Kế v.v.. Nhờ vậy Hai Khánh trưởng thành nhanh chóng với công tác đoàn thể. 

Được tổ chức giao làm Phó thư ký Ban chấp hành thanh niên cứu quốc Phú Cường, ông cùng với Mai Tấn Hùng tích cực hướng dẫn cho hàng trăm hội viên làm nhiệm vụ tăng gia sản xuất nuôi quân, luyện tập quân sự, tham gia dân quân du kích và bộ đội, làm liên lạc cho cơ quan,…

Ngoài ra, ông cũng rất giỏi trong việc làm công tác giáo dục tư tưởng cho hội viên của mình trước những tội ác của giặc Pháp đối với đồng bào ta.

Điển hình như trong vụ thảm sát 46 người ở Suối Giữa (01.6.1946), vụ thủ tiêu thầy giáo Lê Văn Chương đã từng dạy học sinh trường Nam Châu Thành. 

Đã có những cán bộ đoàn là Ba Thắng, Tư Sáng, Mai Thế Hùng, Hai Khánh trở thành cán bộ đầu đàn trong thanh niên cứu quốc xã. 

Vào khoảng đầu tháng 3.1947, trong cuộc khủng bố lớn của quân địch trên địa bàn các làng chung quanh tỉnh lỵ Thủ Dầu Một, Bùi Quốc Khánh bị giặc bắt cùng nhiều người khác tại ấp Chánh Thành. 

Chúng trói tay từng người dính chùm nhau như xâu cá dẫn đi ngang Sở rác, cũng thuộc ấp Xóm đạo. Du kích làng Chánh Hiệp chặn đánh, giải thoát đồng bào ta. Khi đó, một số tên ngụy bị đền tội tại chỗ, đồng bào không ai bị thương... Tên chỉ huy tức lỗng lộn chẳng khác nào hổ bị sa vào bẫy. 

Hắn bèn ra lệnh cho tên Việt gian mật đi nhìn mặt từng người bị bắt và đã tìm ra Việt Minh Bùi Quốc Khánh. 

Tại giữa nhà xã Liễu (đã từng làm hội tề trước 1945) chúng tra tấn Hai Khánh trước mặt đồng bào ta bị bắt. Mọi người chứng kiến sự dã man của địch và xúc động trước những nghĩa cử của Hai Khánh. Anh không hề khai báo một ai, dù có nhiều người đang có mặt tại chỗ. Anh vạch mặt bọn đang đánh đập là lũ Việt gian đầu trâu mặt ngựa, ôm chân giặc phản lại giống nòi. 

Khi đó chúng chuyển sang dụ dỗ Hai Khánh. Thực hiện mưu đổ này là tên Sáu Quỡn, cậu ruột của Khánh đã làm tay sai cho giặc. Hắn khuyên Hai Khánh bỏ hàng ngũ kháng chiến ngã theo Pháp làm hội tế hoặc tiếp tục đi học, vì Khánh vốn là học sinh giỏi trước đây. 

Mọi người thấy và nghe rõ hai Khánh trả lời “Không!” Lập tức tên chỉ huy hạ lệnh cho bọn ác ôn hành hình Hai Khánh tại chỗ. 

Chúng lôi Bùi Quốc Khánh trói vào cây cột giữa nhà bỏ hoang này, tưới xăng ướt đẫm người. Bàn tay tàn bạo kẻ bán nước bật lửa đốt nhà thiêu sống người yêu nước! Những tiếng hô: “Đả đảo bọn thực dân khát máu! Đả đảo bọn Việt gian bán nước! Việt Nam độc lập muôn năm!” từ trong khói lửa vang ra đến tai mọi người!

Hôm ấy đúng vào ngày 26 tháng 2 âm lịch năm Đinh Hợi (1947), Bùi Quốc Khánh hy sinh anh dũng lúc 17 tuổi đời, đang làm nhiệm vụ cán bộ đoàn thanh niên cứu quốc. 

Ba hôm sau, trên mảnh đất ở gia đình nổi lên một ngôi mộ phía dưới chôn trái tim bất diệt Bùi Quốc Khánh do gia đình lấy từ đóng tro tàn... đem về. Sau ngày quê hương hoàn toàn giải phóng kỷ vật đó được đưa vào nghĩa trang liệt sĩ. Trên bàn thờ tại gia đình có Bằng Tổ quốc ghi công liệt sĩ Bùi Quốc Khánh. Ngành giáo dục tỉnh đã đặt tên trường Tiểu học Bùi Quốc Khánh tại đường mang tên anh.

Tags
Bình luận (0)
Nội dung bình luận
Gửi hình Gửi bình luận