ĐƯỜNG XÓM GUỐC

22/10/2022 09 : 45 AM 233

Xóm guốc ra đời, phát triển và kế thừa từ kinh nghiệm nghề phổ biến ở các làng nghề tỉnh Bình Dương: sơn mài (Tương Bình Hiệp), điêu khắc gỗ (Phú Văn), chạm gỗ (An Sơn), tượng gốm sứ (Chánh Nghĩa, Tân Phước Khánh), mộc (Hiệp Thành) và guốc (Phú Thọ), 

Làng guốc Phú Thọ (nay là phường Phú Thọ) sản sinh ra lớp thợ làm guốc đầu tiên ở xóm bưng chuyển sang xóm gò nổi (nay là khu 6), về sau nhiều lớp thợ khác phát triển làm guốc ở nhiều nơi trong tỉnh nhà. Hiện diện tại xóm guốc khu 6 có 3 lớp thợ nối tiếp nhau hành nghề. Rất ít gia đình làm guốc 3 đời (ông, cha, con). Họ xuất thân từ nghề nông đến nghề guốc theo thời vụ lúc nông nhàn. Còn lại số đông gia đình 2 đời như ông Ba Ky (Nguyễn Văn Dọn sinh năm 1918...). 

Ông Ba Ky đã làm nghề guốc 38 năm (1936 – 1974) thuộc lớp thợ cả tiêu biểu nhất (nghệ nhân) vùng này. Ông có công đào tạo ra nhiều thợ chính lành nghề như bác Sáu Tám (Nguyễn Văn Tám)... 

Lớp thợ nêu trên chỉ có dùng đồ nghề: cưa, đục, bào, với đôi bàn tay khéo léo, năng khiếu thẩm mỹ. Họ chế tác gỗ cây vông, cây săn máu thành đôi guốc trơn, guốc sơn mài. Thành phẩm đưa ra bán ở thị trường trong tỉnh chưa có điều kiện đi xa. Hầu hết họ không được học qua trường lớp mỹ nghệ, chỉ học truyền nghề tại gia, có người được học thầy Châu Văn Trí (sinh năm 1914) nổi tiếng nhất làng nghệ thuật điêu khắc mỹ thuật Phú Thọ (từ năm 1927 trở đi). 

Ông Ba Ky được dân nghề xóm guốc suy tôn là người thợ cả cao niên nhất, đầu tiên ở Phú Thọ hành nghề làm guốc. Song chưa phải là vị sáng tác ra nghề guốc. Hiện chưa rõ danh nhân nào, ở đâu chế tác ra đôi guốc đầu tiên? Mọi người chỉ biết ngành guốc có chung ngày giỗ Tổ mộc như xóm guốc Phú Thọ hàng năm cúng Tổ vào 2 ngày: 16/6 và ngày 20/12 âm lịch. 

Lớp thợ cả xóm guốc thời nay tại khu 6 – Phú Thọ có hơn 15 hộ trong 315 hộ đa nghề. Đây là lớp thợ có 2 đời truyền nghề như lớp thợ trước. Điều khác biệt đáng quý là có nhiều người tự học hỏi rất hiệu quả. Họ sớm kết hợp dụng cụ thủ công với máy cưa, máy phay, máy bào... do Nhật, Trung Quốc sản xuất. Hơn 10 người có tay nghề khá giỏi. Trang trí mỹ thuật như chạm trổ, vẽ, sơn mài rất tinh vi. Tạo dáng guốc mẫu mã có đến 20 loại rất đẹp. Địa chỉ khách đặt hàng vượt ra ngoài tỉnh, thành phẩm xuất khẩu đi Đài Loan, Hồng Kông, Thái Lan, Nhật.. Nhìn chung, họ vẫn tuân theo lời cổ nhân: Vừa lòng khách đặt hàng, nhưng cũng có trường hợp ngoại lệ. Đó là một vị khách, đặt hàng đưa ra mẫu hình người nữ hoặc lá cờ một nước... Người chủ sản xuất cơ sở gỗ mỹ nghệ xuất khẩu như Nguyễn Văn Châu đã có 15 năm kinh nghiệm làm guốc, đưa ra lý lẽ từ chối rất tế nhị với khách: Chúng tôi không theo làm theo mẫu này, vì không thuận với tâm linh người Việt Nam. Bởi không thể đặt đôi bàn chân lên hình người và lá cờ của tổ quốc họ. Lời đơn giản giàu tính nhân văn làm cho khách đặt hàng vui lòng và chuyển theo mẫu vẽ khác của chủ trại sản xuất Mười Châu với nhãn hiệu “Trường Xuân”. 

Mô hình sản xuất kiểu đó ở xóm guốc còn có các anh: Ba Ánh, Tư Vân, Bảy Ảnh (Bảy Trắng). Họ đều là những thợ cả làm chủ trại, đông lao động, nhiều khách đặt hàng. Nhờ có thành phẩm cao cấp: bền, đẹp, mẫu mã đa dạng, trang trí cảnh chim thú hiền lành được nữ “thượng đế” trong, ngoài nước hài lòng! 

Những nghệ nhân, thầy, thợ xóm guốc khu 6, Phú Thọ giữ gìn và phát huy nghề truyền thống hàng trăm năm. Họ là lớp chủ trại trẻ khéo tay đang là triệu phú, biết thổi hồn văn hóa dân tộc vào đôi guốc mang dáng hiện đại. Những người chủ cơ sở này còn mang dòng máu anh hùng thời chiến và tính “năng động” thời kỳ công nghiệp hóa – hiện đại hóa nước nhà trên quê hương Bình Dương. Họ là những người chủ có công tách nghề mộc và guốc ra khỏi nghề nông, chuyển thành một nghề chính của thủ công nghiệp.

Tags
Bình luận (0)
Nội dung bình luận
Gửi hình Gửi bình luận